Mua hàng bền vững – xu hướng nhất thời hay bước phát triển tất yếu?

2114 lượt xem

Chắc mọi người đã đều biết về xu hướng phát triển bền vững của của nền kinh tế hiện nay, được thúc đẩy từ nhu cầu của khách hàng và đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Nếu doanh nghiệp quyết định chuyển dịch theo hướng này thì phát triển một bộ phận Mua hàng bền vững là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chiến lược của doanh nghiệp cả trực tiếp thông qua các quyết định mua hàng và gián tiếp bằng cách ảnh hưởng đến thiết kế sản phẩm. 

Nhưng liệu xu thế này có thể kéo dài và thực sự trở thành một phần của ngành Mua hàng hay chỉ là xu hướng nhất thời?

Để có một cái nhìn phù hợp thì trước tiên, chúng ta cần hiểu về Mua hàng bền vững là gì đã. Khái niệm bền vững thì chắc quen thuộc với mọi người cả rồi nhỉ, và Mua hàng bền vững cũng đi theo concept này. 

Mua hàng bền vững là gì?

Mua hàng bền vững là việc cân nhắc cả những yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường bên cạnh những tiêu chuẩn chuyên môn trong quá trình Mua hàng. Cụ thể, Mua hàng bền vững bao gồm:

  • Tuân thủ luật bảo vệ môi trường.
  • Lựa chọn các nhà cung cấp có ít tác động tiêu cực đến môi trường, cạnh tranh thương mại công bằng, thực hiện đúng theo luật lao động…
  • Sử dụng nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc thân thiện với môi trường (ví dụ: sử dụng giấy tái chế).
  • Giảm chất thải bằng cách tái sử dụng vật liệu đóng gói thay vì vứt bỏ sau một lần sử dụng.

Mua sắm và tìm nguồn cung ứng bền vững phải thực sự cải thiện hoạt động kinh doanh của tổ chức và chứng minh được các mục tiêu giúp doanh nghiệp phát triển dài hạn của nó trong tương lai.

Vì sao Mua hàng bền vững lại quan trọng?

Như đã đề cập ở trên, bộ phận Mua hàng có ảnh hưởng quan trọng đối với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cụ thể như sau.

  • Giảm thiểu rủi ro và nâng cao danh tiếng: 

Hợp tác với những nhà cung cấp có hành vi xấu như lao động trẻ em hoặc ô nhiễm có thể gây ra thiệt hại về tài chính và thương hiệu của tổ chức. 

Ngược lại, nếu doanh nghiệp liên kết với những nhà cung cấp tuân thủ luật bảo vệ môi trường và luật lao động, thực hiện CSR… và công ty chứng minh được cho khách hàng về những tiêu chuẩn đánh giá đầu vào của mình thì chúng ta có thể xây dựng danh tiếng cũng như sự tin tưởng giữa người tiêu dùng, thậm chí là cả đối tác mục tiêu. 

Ngoài ra, duy trì một mối quan hệ bền vững với những nhà cung cấp tốt cũng giúp doanh nghiệp tránh rủi ro thiếu hàng, thậm chí nâng cao chất lượng hoặc phát triển sản phẩm mới tốt hơn.

  • Tăng doanh thu: 

Từ lợi thế về danh tiếng nêu trên và xu hướng tiêu dùng bền vững của người tiêu dùng, công ty có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và đạt mức doanh thu cao hơn. 

Theo một khảo sát của Nelson với 30,000 đáp viên tại 60 quốc gia, 66% người được phỏng vấn đồng ý trả nhiều hơn cho một sản phẩm bền vững hơn. Con số này tăng đều từ năm 2013 (50%) đến năm 2015 (66%). Hay theo một khảo sát khác của Deloitte năm 2021, cứ 3 khách hàng thì 1 người đã từ bỏ không sử dụng một sản phẩm hay một nhãn hàng nào đó vì vấn đề đạo đức và bền vững. 

Vì vậy, có thể hiện tại nhu cầu tiêu dùng bền vững tại Việt Nam là chưa cao, nhưng xu hướng này khả năng rất cao sẽ tăng lên trong tương lai. Hơn nữa, nhóm khách hàng này sẵn sàng trả giá cao hơn và trung thành hơn trong một thị trường không có nhiều doanh nghiệp bền vững khác.

Nguồn: Nelson Global Sustainability Report October 2015.

  • Giảm chi phí và phát triển trong tương lai dài hạn: 

Việc tái sử dụng và tiết kiệm nhiên liệu có thể giúp giảm một phần chi phí. Trong nhiều trường hợp thì việc này có thể không khả thi hoặc tái chế có thể tốn nhiều chi phí hơn. Vì vậy, việc tối ưu hóa chi phí vẫn phụ thuộc khá lớn vào quá trình Mua hàng. 

Mặc dù xu hướng bền vững đã phổ biến khá lâu, nhưng những doanh nghiệp định hướng bền vững vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, dẫn đến việc tìm kiếm những nhà cung cấp bền vững đạt yêu cầu không phải là việc dễ dàng. Bộ phận Mua hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn cung chất lượng với giá cả hợp lý và giữ một mối quan hệ tốt đẹp, đối tác chiến lược với những nhà cung cấp thích hợp. Về lâu dài, điều này giúp công ty có thể đề phòng những rủi ro khan hiếm nguồn cung và những thay đổi trong các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường.

 

Có thể thấy, lợi ích của Mua hàng bền vững chỉ thực sự nổi bật trong quá trình phát triển dài hạn của công ty. Nhưng nếu đã quyết định phát triển bền vững thì việc đầu tư xây dựng một quy trình Mua hàng bền vững và chuẩn chỉnh cũng như kỹ năng nghiệp vụ tốt cho nhân viên là xứng đáng.

Mua hàng bền vững là một bước phát triển mang tính bước ngoặt và chiến lược, tuy nhiên cũng đi kèm với thách thức. Cụ thể những khó khăn này là gì và có những cách khắc phục như thế nào, hay phải bắt đầu từ đâu để xây dựng một bộ phận Mua hàng bền vững? Mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo Kyan nhé!


Viện Quản trị Cung ứng KYAN Chuyên Nâng cao vai trò của phòng Mua hàng trong tổ chức cũng như tổ chức phòng Mua hàng một cách chuyên nghiệp, tăng hiệu quả Mua hàng luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Cấp quản lý ở các Công ty.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *