Chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao

2032 lượt xem

Đại dịch Covid-19 là một đòn giáng mạnh khiến cho nền kinh tế toàn cầu điêu đứng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang vất vả phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu lại phải tiếp tục gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chiến sự bất ổn giữa Nga và Ukraine. 

GIÁ DẦU

Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu vượt ngưỡng 100USD/thùng, trong khi giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng tăng tới 62%. Nguyên nhân của sự tăng giá kỷ lục này do nguồn cầu về dầu tăng mạnh từ việc điều chỉnh sản xuất hậu covid và tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng tới nguồn cung dầu. Giá dầu đã kéo theo sự gia tăng chi phí cho ngành vận tải và các ngành công nghiệp khác như ngành sản xuất chất dẻo.

GIÁ LƯƠNG THỰC VÀ KIM LOẠI

Ngoài giá năng lượng thì giá nguyên vật liệu thô cũng leo thang chóng mặt. Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn trên thế giới về lương thực và kim loại, từ lúa mì cho tới nhôm, niken. Giá lúa mì tại châu Âu tăng lên mức kỷ lục là 344 euro (384 USD)/tấn trong phiên giao dịch ngày 24/2 trên sàn giao dịch Euronext. Leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ buộc khách hàng mua lúa mì, ngô từ các nước này phải chuyển sang tìm kiếm các đối tác khác hoặc mặt hàng thay thế. Đứt gãy nguồn cung lương thực đi kèm với giá cả leo thang không chỉ gây gián đoạn chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm mà còn ảnh hưởng tới an ninh lương thực của các nước Trung Đông và Bắc Phi – các quốc gia phụ thuộc hơn 50% nguồn nhập khẩu ngũ cốc và lúa mỳ từ Nga và Ukraine. 

Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá nhôm cũng đã chạm mức kỷ lục 3.449USD/tấn, tăng 21% từ đầu năm đến nay, trong khi niken tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Các công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu điển hình như trong ngành sản xuất ô tô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nguyên liệu quan trọng trong chuỗi cung ứng ô tô như palladium, bạch kim, chip bán dẫn đang bị thiếu hụt vì Ukraine và Nga đều là những nguồn cung cấp chính cho nguồn nguyên liệu này. Một số ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô như Volkswagen đã thông báo khả năng buộc phải giảm công suất tại nhà máy chính ở Wolfsburg và một số nhà máy khác ở Đức vì thiếu nguồn cung phụ tùng, BMW cũng thông báo sẽ hạn chế sản xuất tại các nhà máy ở Đức, Áo và Anh. 

LĨNH VỰC VẬN TẢI 

Sau khi Nga tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, chính quyền Kiev tuyên bố đóng cửa không phận với hàng không dân sự (kể cả chở khách và chở hàng) vì lo ngại nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, lệnh cấm lẫn nhau giữa phương tây và Nga trong lĩnh vực hàng không đã và đang gây thêm áp lực cho hệ thống vận tải toàn cầu. Giá nhiên liệu tăng cộng với việc phải đi vòng, tránh không phận Nga và Ukraine càng đẩy chi phí vận tải đội giá. Các cảng biển xung quanh khu vực Biển Đen đã đóng cửa, khiến hàng chục tàu hàng ngừng hoạt động. Một số hãng tàu lớn như Maersk, Network Express, Hapag-Lloyd, MSC đã thông báo tạm ngưng vận chuyển đi và đến Nga nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Hiện tại còn quá sớm để có thể đưa ra đánh giá chính xác về tác động của cuộc khủng hoảng. Mức độ của các tác động sẽ phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nếu tình trạng này kéo dài, chuỗi cung ứng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, tổn thất và gián đoạn cả về nguồn cung và vận hành. Vì thế bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp không chỉ là giải quyết những bất ổn ở thời điểm hiện tại mà còn cần đưa ra chiến lược, phương án lâu dài cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nguồn: The New York Times


Viện Quản trị Cung ứng KYAN Chuyên Nâng cao vai trò của phòng Mua hàng trong tổ chức cũng như tổ chức phòng Mua hàng một cách chuyên nghiệp, tăng hiệu quả Mua hàng luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Cấp quản lý ở các Công ty.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *